Máy đo huyết áp cổ tay thuộc dòng máy đo huyết áp điện tử và vị trí đặt máy để đo huyết áp là ở cổ tay của người dùng. Đây là dòng máy đo huyết áp hiện đại, tiện lợi, ngày càng được ưa chuộng sử dụng hơn. Đặc biệt, có nhiều trường hợp không thể tiến hành đo huyết áp tại vị trí bắp tay đối với những người bị thừa cân hoặc bị thương ở phần cánh tay thì máy đo huyết áp cổ tay là cách duy nhất để kiểm tra huyết áp.
Tham khảo một số dòng máy nội địa Nhật như: Omron HEM-6183, Omron Hem 6162, Omrom HEM-6230 .
1. Cấu tạo của máy đo huyết áp cổ tay
Máy đo huyết áp cổ tay là thiết bị được thiết kế chuyên dụng để theo dõi huyết áp của người sử dụng. Đa phần máy đo huyết áp cổ tay đều bao gồm các bộ phận:
- Vòng bít để quấn vào cổ tay của người cần đo.
- Bơm khí để bơm hơi vào vòng bít, chạy bằng pin.
- Cảm biến áp suất để cảm nhận rung động của thành động mạch, từ đó đo được huyết áp trong động mạch.
- Màn hình hiển thị kết quả đo.
2. Nguyên lý hoạt động
Máy đo huyết áp cổ tay là thiết bị đo huyết áp hoạt động dựa trên phương pháp dao động mạch cảm ứng điện. Khi sử dụng máy đo huyết áp cổ tay, bạn quấn vòng bít vào cổ tay mình. Bơm khí sẽ thổi phồng vòng bít bao quanh cổ tay với áp suất đủ để ngăn dòng máu chảy trong động mạch.
Áp lực trong vòng bít sau đó được giải phóng dần dần nhờ van điện từ được điều khiển tự động với tốc độ khoảng 4mmHg cho đến thời điểm máu bắt đầu chảy qua động mạch ở cổ tay. Tốc độ xả hơi chậm giúp kết quả đo chính xác hơn.
Khi vòng bít được xả hơi xuống dưới huyết áp tâm thu, áp suất tác động lên động mạch giảm cho phép máu chảy qua và tạo ra một rung động có thể phát hiện được trong thành động mạch. Cảm biến áp suất sẽ phát hiện ra rung động này và áp suất đo được khi này sẽ xác định được huyết áp tâm thu của bạn.
Khi áp suất trong vòng bít giảm xuống dưới huyết áp tâm trương, máu sẽ chảy qua động mạch mà không gặp bất cứ trở ngại nào. Vì vậy, không có bất cứ rung động nào của thành động mạch. Huyết áp được đo bằng cảm biến áp suất tại thời gian này sẽ xác định huyết áp tâm trương.
Quá trình đo huyết áp hoàn chỉnh trên được thực hiện hoàn toàn tự động. Sau khi quá trình này kết thúc, tín hiệu từ cảm biến áp suất sẽ được xử lý và biến đổi để đưa ra kết quả đo huyết áp tâm thu, huyết áp tâm trương và nhịp tim hiển thị trên màn hình.
3. Mua máy đo huyết áp cổ tay loại nào tốt?
Để mua được một chiếc máy đo huyết áp cổ tay chất lượng tốt, bạn nên lưu ý một số điểm sau.
- Mua máy có các thông số kỹ thuật, tính năng phù hợp với nhu cầu sử dụng.
- Mua máy đến từ những thương hiệu uy tín để đảm bảo máy an toàn cho sức khỏe, có độ chính xác cao, hoạt động bền bỉ, tuổi thọ dài lâu và được bảo hành tốt nhất. Vì máy đo huyết áp cổ tay được xếp vào nhóm các thiết bị y tế và chăm sóc sức khỏe nên bạn cần tuyệt đối tránh các sản phẩm giá quá rẻ, không rõ nguồn gốc, xuất xứ vì đây thường là hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, không những không đo huyết áp chính xác mà có thể còn gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe.
Hiện nay các mẫu máy đo huyết áp cổ tay trên thị trường cũng vô cùng đa dạng, phong phú, bạn có thể tham khảo sản phẩm đến từ các thương hiệu nổi tiếng chất lượng sau để sử dụng: Beurer, Citizen, A&D, Omron, Laica, Boso, Sanitas, Lanaform, Microlife.
4. Sử dụng máy đo huyết áp cổ tay như thế nào?
Để đảm bảo đo huyết áp chính xác và tăng độ bền cho máy đo huyết áp điện tử cổ tay, bạn nên lưu ý một số điểm sau trong quá trình sử dụng thiết bị:
- Cần đọc kỹ hướng dẫn của nhà sản xuất để nắm chắc thao tác đo, thiết lập máy... trước khi sử dụng. Với máy đo huyết áp cổ tay, bạn sẽ quấn vòng bít vào cổ tay, sau đó ấn nút START là máy tiến hành đo. Khi đo cần ngồi thẳng lưng, thoải mái, cổ tay ở vị trí ngang tim, không nói chuyện, cử động, cười đùa... gây ảnh hưởng tới độ chính xác của kết quả.
- Sau khi sử dụng, cần cất máy vào hộp và để ở nơi thoáng mát, tránh ánh nắng mặt trời chiếu vào trực tiếp, tránh nguồn nhiệt và nguồn ẩm cao, tránh để gần các thiết bị điện tử, các thiết bị có thể phát ra từ trường.
- Nên vệ sinh máy định kỳ bằng cách sử dụng khăn vải mềm, khô, sạch để lau máy nhẹ nhàng, tuyệt đối không lau với nước hay các chất tẩy rửa.
- Tránh làm máy bị rơi, bị va chạm mạnh hay bị các chất lỏng đổ vào.
- Khi không sử dụng trong thời gian dài thì nên tháo pin để tránh pin bị rò rỉ. Khi sử dụng, cần đảm bảo pin hoạt động tốt và được lắp đúng cực. Khi thay pin, nên thay tất cả pin cùng lúc, tránh dùng đồng thời cả pin cũ và pin mới, tránh dùng đồng thời nhiều loại pin khác nhau.